Tăng cường công tác quản lý bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên hệ thống quốc lộ

Ngày 13/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Công văn số 711/TCĐBVN-QLBTĐB yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ I, II, III và IV; Các Sở Giao thông vận tải quản lý quốc lộ ủy thác tăng cường công tác quản lý bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên hệ thống quốc lộ.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT phát hiện kịp thời và xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh hoặc tái lấn chiếm như san lấp hành lang trái phép, đấu nối trái phép, làm hư hỏng công trình đường bộ. Ảnh minh họa.

Qua kiểm tra công tác quản lý bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên một số tuyến quốc lộ, Tổng cục ĐBVN nhận thấy công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gần đây có dấu hiệu buông lỏng, để tồn tại các vi phạm nhưng chưa xử lý như: tình trạng san lấp hành lang, đấu nối trái phép vào quốc lộ, làm hư hỏng hệ thống rãnh thoát nước, lấn chiếm đất của đường bộ (xây tường rào, trồng cây sát mép rãnh dọc), trồng cây trên phần đất đã được đào bạt để đảm bảo tầm nhìn tại các đường cong nằm hạn chế làm mất hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên tuyến đường bộ; đồng thời, công tác bảo dưỡng thường xuyên cũng còn nhiều bất cập như chưa phát quang cây cối che khuất tầm nhìn, để đọng nước mặt đường, sửa chữa các hư hỏng mặt đường chưa đảm bảo chất lượng (vá ổ gà bằng cấp phối đồi), v.v…..

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Tổng cục ĐBVN yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1124/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 16/3/2016 của Tổng cục ĐBVN về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an để tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ KCHT GTĐB, phát hiện kịp thời và xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh hoặc tái lấn chiếm như san lấp hành lang trái phép, đấu nối trái phép, làm hư hỏng công trình đường bộ như rãnh dọc, hệ thống báo hiệu đường bộ, sạt lở nền đường, lấn chiếm đất của đường bộ, v.v…

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc khó khăn báo cáo kịp thời về Tổng cục ĐBVN để có ý kiến chỉ đạo hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đôn đốc, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Tổng cục yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT chỉ đạo Chi cục QLĐB, Ban quản lý dự án bảo trì đường bộ thuộc Sở GTVT và nhà thầu thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên như: Xử lý kịp thời các hư hỏng cục bộ mặt đường theo đúng ý kiến chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN tại văn bản số 79/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 05/01/2017 về việc đảm bảo giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017; Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, nếu phát hiện không đảm bảo chất lượng kiên quyết yêu cầu nhà thầu BDTX làm lại; khi nguồn vốn cho công tác BDTX mặt đường, cầu được phân bổ bổ sung trong Kế hoạch bảo trì quốc lộ năm 2017 sẽ thanh toán cho nhà thầu; Tăng cường công tác phát cây đảm bảo tầm nhìn, kể cả cây mọc trùm lên đường có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn giao thông; sơn sửa, nắn chỉnh hệ thống cọc tiêu, biển báo đảm bảo an toàn giao thông; Tăng cường công tác bạt lề, đào rãnh xương cá, nạo vét cống rãnh đảm bảo thoát nước khi mùa mưa bão.

Nguồn: Tổng cục ĐBVN.